#Book Highlight: Các cấp độ của trưởng thành



Ở giai đoạn đầu đời, là một đứa trẻ sơ sinh, ta hoàn toàn lệ thuộc vào người khác. Ta được chỉ bảo, nuôi dưỡng, tồn tại được là nhờ vào người khác. Không có sự nuôi dưỡng của người khác, ta chỉ có thể sống được vài giờ, hoặc vài ngày mà thôi.

Rồi trong những năm tháng sau đó, ta dần dà trở nên độc lập hơn- cả về mặt thể chất, tinh thần, tình cảm, tài chính- cho đến khi ta hoàn toàn có thể tự lo cho bản thân, trở thành người có khả năng tự định hướng và tự chủ.

Và khi tiếp tục chín chắn và trưởng thành hơn, ta càng ý thức rõ về bản chất của thế giới này là tương thuộc, và có một hệ sinh thái mà điều chỉnh cả thiên nhiên và xã hội của chúng ta.

Trong phạm vi trưởng thành này, thì cấp độ lệ thuộc chính là mô thức hướng về người khác. Người khác phải chăm sóc tôi, người khác phải làm gì đó cho tôi, nếu không tôi sẽ đổ thừa cho người đó nếu kết quả không như ý.

Còn cấp độ độc lập là mô thức hướng về tôi. Tôi có thể làm được, tôi tự chịu trách nhiệm, tôi tự chủ, tôi có thể lựa chọn.

Còn cấp độ tương thuộc là mô thức hướng về chúng ta– chúng ta có thể làm được, chúng ta có thể cộng tác, chúng ta có thể kết hợp tài năng và khả năng của mình để tạo ra điều gì khác biệt, vĩ đại hơn .

Người lệ thuộc cần có người khác để đạt được điều mình muốn. Người độc lập có thể đạt được những gì mình muốn nhờ nỗ lực tự thân. Còn người tương thuộc có thể kết hợp nỗ lực của mình với nỗ lực của người khác để đạt được thành công to lớn nhất.

Người lệ thuộc

Nếu tôi bị lệ thuộc về mặt thể chất, chẳng hạn như bị liệt, bị khuyết tật, hay bị giới hạn theo một cách nào đó, thì tôi cần bạn giúp đỡ tôi. Nếu tôi bị lệ thuộc vào mặt cảm xúc, cảm nhận về giá trị và sự an nhiên của tôi sẽ tuỳ ý theo ý kiến của người khác. Nếu bạn không thích tôi thì tôi cảm thấy đây là một thảm hoạ. Còn nếu tôi bị lệ thuộc vào mặt nhận thức thì tôi sẽ dựa vào bạn để suy nghĩ cho tôi , giải quyết những vấn đề khó khăn của tôi trong cuộc sống.

Người độc lập

Nếu tôi độc lập về mặt thể chất, tôi có thể tự mình thực hiện mọi việc. Khi độc lập về mặt tư duy, tôi có thể tự suy nghĩ, có thể chuyển từ mức độ tư duy trừu tượng này sang mức độ tư duy trừu tượng khác. Tôi có thể tư duy sáng tạo, tư duy phân tích, sắp xếp và thể hiện suy nghĩ của mình bụng những cách có thể hiểu được. Còn khi độc lập về mặt cảm xúc, tôi có thể tự chứng thực từ bên trong mình. Tôi sẽ được dẫn dắt bằng tiếng nói bên trong. Cảm nhận về giá trị của tôi không còn lệ thuộc vào chuyện người khác có thích hay có đối sử tốt với tôi hay không.

Người tương thuộc

Nếu tôi thấy mình tương thuộc về mặt thể chất thì tôi vẫn có thể tự chủ, có năng lực, nhưng vẫn nhận ra rằng tôi và bạn có thể hợp tác để đạt được thành quả lớn lao hơn cả những gì tốt đẹp nhất mà cá nhân tôi có thể đạt được khi làm một mình. Nếu tôi thấy được mình tương thuộc về mặt cảm xúc, tôi vừa cảm nhận được giá trị của bản thân mình một cách sâu sắc, vừa nhận ra nhu cầu được yêu thương, cho tặng và nhận được yêu thương từ người khác. Nếu tôi thấy được mình tương thuộc về mặt nhận thức, tôi sẽ nhận ra rằng mình cần những khả năng tư duy tốt nhất của người khác, để kết hợp với những gì tôi hiện có.

Tương thuộc là một lựa chọn mà chỉ những ai đã đạt được sự độc lập mới có thể thực hiện. Người lệ thuộc không thể lựa chọn trở thành người tương thuộc được. Họ chưa có phẩm giá để làm được điều đó, họ chưa làm chủ được bản thân đúng mức.

Vậy bạn đang là người thuộc loại nào ?

Tổng kết

Bài viết trên được mình tổng hợp trong cuốn sách “7 thói quen hiệu quả” của tác giả Franklin Covey. Nói tóm lại, mình muốn highlight với bạn những kiến thức tuyệt vời sau:

1. Có 3 cấp độ của sự trưởng thành : lệ thuộc, độc lập và tương thuộc.

2. Cấp độ lệ thuộc chính là mô thức hướng về người khác. Cấp độ độc lập là mô thức hướng về tôi. Còn cấp độ tương thuộc thì mô thức hướng về chúng ta.

3. Người lệ thuộc cần có người khác để đạt được điều mình muốn. Người độc lập có thể đạt được những gì mình muốn nhờ nỗ lực tự thân. Còn người tương thuộc có thể kết hợp nỗ lực của mình với nỗ lực của người khác để đạt được thành công to lớn nhất.

Bài học mình rút ra : Phải kết hợp sức mạnh của mình với sức mạnh của những người khác để đạt được thành công to lớn nhất. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau.

Mình là Nguyên và hi vọng bài viết trên sẽ hữu ích với bạn.

Join the Friendzone

Chủ nhật hàng tuần, mình sẽ chia sẻ các mẹo năng suất hữu ích, lời khuyên của mình về năng suất, học tập trực tiếp đến email của bạn.