Bàn về sự ổn định trong cuộc sống ngày nay



Mấy hôm trước, mình có nói chuyện ở trên Facebook với một người em gái mà mình quen biết ở quê. Nhà em và mình cũng tương đối là gần nhau. Em là một cô gái xinh đẹp, trẻ trung và học khá giỏi. Hôm đấy, mình hỏi em về việc định hướng tương lai sau này của em. Và câu trả lời của em khiến mình bất ngờ. Em tâm sự với mình rằng, bố mẹ em không thích cho em học đại học vì có quá nhiều những tấm gương học đại học ra không xin được việc ở gần chỗ em ở. Hoặc nếu có học, thì cũng học trường cao đẳng, hoặc đại học ở quê, học xong ra lấy chồng, chứ biết làm sao giờ.

Mình nghe em nói xong, mà lặng cả người. Mặc dù đã khuyên em một cách hết sức chân thành, từ tận đáy lòng của mình, nhưng hôm nay em nhắn tin cho mình và vẫn quyết định là học ở quê và sau này xin một công việc với đúng chuyên ngành của mình. Mặc dù mình vẫn ủng hộ quyết định của em, nhưng mình mình tiếc cho em, một cô gái trẻ trung, tài giỏi, không dám vượt ra khỏi vùng an toàn của bạn thân để rồi chọn lấy sự ổn định khi còn trẻ.

Và hôm nay, trong bài viết này, xin phép được chia sẻ những suy nghĩ của mình về việc lựa chọn sự ổn định.

Ổn định là gì?

Theo những định nghĩa trừu tượng, thì ổn định không phải là trạng thái cân bằng, cũng không phải là dài lâu, mà ổn định được khoa học định nghĩa là khả năng chống lại sự quấy nhiễu từ bên ngoài. Hay nói một cách khác, ổn định không liên quan đến trạng thái tốt hay xấu, mà ổn định chỉ liên quan đến việc luôn duy trì đến trạng thái ban đầu, kể cả trạng thái này không hề lí tưởng.

Khi nhìn vào tấm hình kia, bạn có biết quả cầu nào là ổn định không ? Câu trả lời là quả cầu bên trái. Và tại sao nó lại ổn định. Bởi vì nó năng lượng thấp, và luôn ở vị trí thấp nhất trong tất cả các vị trí nên lực hấp dẫn luôn thấp nhất. Một khi nó bị tác động, nó chỉ có thể bị lăn đến một nơi có lực hấp dẫn cao hơn, bởi không nơi nào có lực hấp dẫn thấp hơn chỗ nó đang đứng. Như vậy, chỉ cần lực tác động bên ngoài biến mất, dưới tác dụng của trọng lực, quả cầu này sẽ tự động trở về trạng thái cân bằng ban đầu. Chính vì thế mà ta nói nó là ổn định, nó không cần bất cứ tác động bên ngoài nào mà chỉ cần dựa vào trọng lực của mình để duy trì trạng thái hiện tại.

Nếu như bạn ổn định, và bạn không cần bất cứ nỗ lực nào để giữ vững vị trí hiện tại. Bởi vì bạn đang ở mực thấp nhất rồi, quanh bạn không còn vị trí nào có thể thấp hơn được nữa.

Cái giá của sự ổn định

Ổn định giống như một chiếc lồng chói buộc bạn. Đôi khi bạn cũng muốn tự mình vươn ra ngoài nhưng lại bị trọng lực của mình níu kéo lại, tự mình lại đưa mình vào vị trí ban đầu.

Cái giá của sự ổn định là một tương lai mờ mịt, một bản thân bất lực và thảm hại. Nếu làm việc mà bản thân không còn hứng thú, bạn sẽ chẳng khác gì một chú robot, tuân lệnh theo người khác.

Điều khiến bạn trở nên tốt hơn mỗi ngày chính là những gì bạn làm có giá trị thực sự và xuất phát từ chính đôi bàn tay, khối óc mình tạo ra. Ngược lại, sự dám dấn thân và từ bỏ lại chính là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của bạn.

Không bao giờ có thứ gọi là “cuộc sống ổn định”

Một cuộc sống ổn định chỉ ban phát cho chúng ta niềm vui trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Khi sự ngắn ngủi đó qua đi, những gì còn lại trong tâm trí trống rỗng là một cơ thể thiếu sức sống.

Mình rất sợ mình sẽ bị rơi vào một cuộc sống ổn định. Hiện giờ, mình vẫn đang là sinh viên, vẫn chưa phải bước vào nỗi lo cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên mình luôn luôn cố gắng đọc sách, tham gia các khoá học kỹ năng, trau dồi kiến thức mới hằng ngày. Mình sợ nếu không chịu khó, mình e ngại, ngộ nhỡ có một ngày công việc hay cuộc sống có biến chuyến, một biến cố bất ngờ ập xuống, bản thân mình sẽ không kịp chuyển mình để thích ứng.

Điều chúng ta cần theo đuổi, không phải một cuộc sống ổn định, mà là một hạnh phúc ổn định.

Trong thời đại này, chúng ta không thể sống ổn định

Trong thời đại này, nếu bạn chọn cuộc sống ổn định, nghĩa là bạn đang tự đánh mất đi cơ hội của mình. Nếu không chuyển mình, thay đổi liên tục để thích ứng, chúng ta có thể bị xã hội đào thải bất cứ lúc nào. Mình sẽ chỉ ra cho bạn những dẫn chứng về điều đó ngày sau đây.

Thứ nhất, Covid 19 vừa rồi là một minh chứng cụ thể.

Nếu bạn chưa biết, để mình nói cho bạn nghe. Theo số liệu được cung cấp bởi tổng cục thống kê( tính đến thời điểm mình viết bài viết này). Chỉ tính riêng trong nước, đại dịch Covid 19 đã làm cho:

30 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng.

3,1 triệu lao động không sử dụng hết tiềm năng

1,4 triệu người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm

Lần đầu tiên thu nhập của người lao động giảm 5,1 % trong vòng 5 năm qua

72 % lao động trong khi vực dịch vụ chịu ảnh hưởng.

Lao động nữ có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.

Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 10 năm qua

Đây là những con số biết nói về hậu quả to lớn mà đại dịch Covid-19 này mang lại. Nếu nhìn xa ra ngoài thế giới, hậu quả còn khủng khiếp hơn như thế này gấp nhiều lần.

Covid-19 đập tan cuộc sống ổn định của nhiều người. Một người vẫn thường có công việc ổn định, với những đồng lương ổn định bây giờ cũng không còn ổn định nữa rồi. 6 tháng nữa, 74 % doanh nghiệp sẽ phá sản, vậy thì ai cho bạn sự ổn định.

Dịch bệnh xảy đến, cuộc sống ổn định ngày nào giờ hoá thành kỷ niệm. Mỗi ngày luôn căng thẳng, lo lắng cho tương lai của mình. Bây giờ, chỉ biết hối hận tại sao ngày xưa không chịu khó dành dụm tiền, trau dồi kỹ năng để có thể thích ứng với những biến cố kiểu như thế này.

Thứ hai, còn một thứ còn kinh khủng hơn cả Covid-19

Nếu bạn nghĩ, Covid-19 là một điều gì đó kinh khủng rồi, thì bạn đã nhầm. Có một thứ còn kinh khủng hơn cả Covid-19.

Đây là một loại “dịch bệnh” mà hầu hết mọi người trên thế giới đều dính. Dịch bệnh này gọi là “ dịch bệnh” robot hoá, tự động hoá và trí tuệ nhân tạo hoá. Cái dịch bệnh này được đặt cho một cái tên hoa mỹ đó chính là “cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0″.

Tại sao mình lại nói đây là một dịch bệnh còn kinh khủng hơn cả Covid-19 ?

Sau đây, mình sẽ đưa ra một vài dẫn chứng cụ thể.

Về lĩnh vực ngân hàng, năm 2019, tức là trước khi covid xảy ra, 50 ngân hàng trên thế giới đã công bố cắt giảm 77.780 việc làm.

Về lĩnh vực dệt may, giày dép. Theo tổ chức Lao động quốc tế nhận định Việt Nam có đến 86 % lao động ( gần 2,3 triệu người, trong đó khoảng 78 % là lao động nữ ngành dệt may ) có nguy cơ mất việc dưới những đột phá về công nghệ.

Cũng theo ILO, ước chừng 44 % lực lượng công nhân nhà máy trên thế giới có nguy cơ cao bị robot thay thế. Lao động Việt Nam làm việc ở khu vực công nghiệp chủ yếu tay nghề thấp với công việc lắp ráp và gia công. Việc họ bị thay thế bằng người máy đang hiển hiện.

Một số công ty đã có những động thái khởi đầu cho việc robot hoá, tự động hoá. Cụ thể :

Công ty Phích nước Rạng Đông sau khi trang bị 1000 tay máy tự động, đồng nghĩa với việc đại bộ phận công nhân ra đi, số còn lại phải đào tạo mới để vận hành máy móc.

Nhà máy sữa Vinamilk ở Bình Dương với hệ thống robot sản xuất tự động, sử dụng rất ít công nhân.

Công ty gốm sứ Minh Long, sau khi nhập 7 robot tạo dáng sản phẩm với độ chính xác cao, đã cắt giảm 90 % lượng nhân công của mình.

Trên đây là những số liệu được thu thập trước khi Covid-19 xảy ra. Phạm vi bài viết này có hạn, nên mình chỉ đưa được một vài dẫn chứng cụ thể. Nhưng tựu chung lại, thế giới đang âm thầm chuyển mình, đào thải dần dần những lao động không đủ trình độ và thay thế hoàn toàn bằng máy móc. Do vậy tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức rất cao trong vài năm tới.

Bên cạnh đó thì Covid 19 còn là chất xúc tác để làm cho quá trình thay thế con người của robot diễn ra nhanh hơn.

Vì thế, chúng ta phải bỏ tư tưởng ổn định mà các thế hệ ông cha đã gieo vào đầu chúng ta từ khi còn bé. Thời đại này, đơn giản, chúng ta không được quyền lựa chọn sự ổn định. Sự ổn định bạn có được thực sự rất mong manh. Chỉ cần thiếu cảnh giác, một biến cố dù nhỏ cũng có thể xuyên thủng sự ổn định đó.

Chỉ những người có tiền mới có quyền lựa chọn cách sống mà họ muốn

Có một câu chuyện mình đọc trên cafebiz và thấy rất tâm đắc. Sau đây xin phép được kể lại cho các bạn.

Có một người nhà giàu đi trên biển nghỉ mát. Vào một ngày khi đang đi bộ dọc bãi biên, ông gặp một người dân đang nằm dài phơi nắng. Ông hỏi: “Sáng nay nghỉ ngơi không ra khơi đánh cá hả bác”

Người ngư dân đáp: “Hôm nay tôi xong việc rồi”

Ông tiếp chuyện: “Vẫn còn sớm mà, nếu bây giờ bác đi đánh cá thêm chút nữa, có thêm tiền chẳng phải tốt hơn sao ?”

Người ngư dân gọn lỏn : “Nhiều tiền có để làm gì đâu”.

Không hài lòng với câu trả lời này, ông nói: “Có nhiều tiền, bác mới có thể vui vẻ thảnh thơi tận hưởng bãi biển tuyệt vời này”.

Người ngư dân cười: “ Ông không thấy tôi đang vui vẻ tận hưởng nó đây hay sao “.

Đối với câu chuyện này, có khá nhiều người thích sự lạc quan trong cách nhìn đời của người ngư dân. Họ thấy rằng, tự nhận ra và bằng lòng với cuộc sống ổn định mình đang có là một cách sống tốt. Tuy nhiên họ quên mất một điều – chỉ những người có nhiều tiền mới có quyền lựa chọn cách sống họ mong muốn.

cuộc sống ổn định

Người ngư dân chỉ có thể nằm dài trên duy nhất bãi biển đó để phơi nắng, còn người nhà giàu có thể tuỳ ý lựa chọn nơi mình muốn đến để tận hưởng kỳ nghỉ.

Người ngư dân quanh năm suốt tháng, chỉ có mấy món hải sản, rau củ quả ăn đi ăn lại, còn người nhà giàu, bằng đồng tiền của mình, họ có thể ăn sơn hào hải vị, ăn bất cứ thứ gì mà họ thích.

Khi lâm bệnh, người ngư dân chỉ có thể chờ cho căn bệnh tự khỏi, hoặc tìm một bệnh viện nhỏ lẻ, với sự trật trội của bệnh viện. Còn người nhà giàu, họ được chữa trị ở trong những bệnh viện tốt nhất với điều kiện tốt nhất.

Người ngư dân và người nhà giàu, nếu nhìn qua sẽ thấy cả hai người đều có một cuộc sống ổn định, an nhàn.

Tuy nhiên, khi nhìn kỹ hơn, cuộc sống của người ngư dân mãi mãi cũng chỉ như vây, và không hề có sức đề kháng trước những sự kiện bất ngờ xảy đến. Còn người nhà giàu, cuộc sống của họ luôn có vô bàn những lựa chọn, vô vàn những kịch bản tươi đẹp trước mắt, và có sức đề kháng cao hơn trong cuộc sống so với người ngư dân.

Chúng ta cần làm gì để có thể thoát khỏi sự ổn định

Để thoát ra khỏi sự ổn định, chỉ có một cách duy nhất đó chính là vượt qua khỏi vòng an toàn của bản thân. Dám phá vỡ bức tường an toàn, bạn sẽ là người chiến thắng. Bạn phải luôn luôn không ngừng cố gắng, đừng để bản thân được nghỉ ngơi vào thời điểm ta có sức lực để phấn đấu, đừng tách mình khỏi cuộc sống mà bạn phải bạt mạng, mỗi món quà vận mệnh ban tặng đều có cái giá của nó.

Mình luôn hằng ngày tự nhắc nhở bản thân mình rằng :

Nếu sống vô lo vào năm 20 tuổi, thì 30 tuổi mình sẽ trở thành một người không có quyền lựa chọn.

Nếu sống tầm thường năm 30 tuổi, thì dẫn đến kẻ không có chí tiến thủ ở tuổi 40.

Nếu không cầu tiến ở tuổi 40, có thể trở thành kẻ thất bại, cái gì cũng không có ở tuổi 50.

Đừng sống một cuộc sống ổn định. Hãy theo đuổi một hạnh phúc ổn định cùng với một năng lực ổn định.

Chúng ta không thể ngăn cản sự thay đổi của thời đại, sự phát triển của công nghệ, sự trỗi dậy của robot hoá, tự động hoá. Chúng ta chỉ có thể duy trì cho mình một tinh thần học tập không ngừng, ngày hôm sau phải tiến bộ hơn ngày hôm trước, sẵn sàng từ bỏ một công việc nhàm chán để tìm cơ hội mới. Đó mới thực sự là giá trị của ổn định.

Sau cùng, hãy ghi nhớ vào tận tâm mình những điều này. Bởi nó tốt cho cả mình và bạn.

Một cuộc sống ổn định “ đúng nghĩa “ không phải là một cuộc sống ngày nào cũng như ngày nào, mà nó là một cuộc sống mà bạn muốn thế nào, nó sẽ thành như thế ấy.

Một cuộc sống ổn định “ đúng nghĩa “ không phải là một cuộc sống bạn có đủ cơm ăn áo mặc. Một cuộc sống” ổn định “ đúng nghĩa là một cuộc sống mà bạn đủ năng lực, để đi đến đâu cũng không phải lo chuyện áo mặc, cơm ăn.

Một cuộc sống ổn định “ đúng nghĩa “ là một cuộc sống vững vàng, không bị thổi bay trước bất kì biến cố nào của cuộc đời.

Mình là Nguyên và hi vọng bài viết này hữu ích với bạn.

Join the Friendzone

Chủ nhật hàng tuần, mình sẽ chia sẻ các mẹo năng suất hữu ích, lời khuyên của mình về năng suất, học tập trực tiếp đến email của bạn.